1. Những thông tin hay bị ngộ nhận về Fe:

  • Fe là vi lượng cần được cung cấp liều nhiều nhất trong toàn bộ các chất vi lượng khác, nhưng thường 1 hồ nhiều cây, ánh sáng cao, co2 tốt thì chỉ cần 1 lượng trong nước cỡ 0.1 mg/l (1 miligram trong 1 lít nước – 1 ppm) là quá đủ cho toàn bộ nhu cầu của những cây đói Fe nhất. Liều Fe 0.2 mg/l trở lên trong môi trường nước mềm (lượng gH, Canxi thấp) thường gây độc (Fe Toxicity) cho cây thủy sinh. Triệu chứng độc Fe giống như thiếu Fe, gây vàng lá non, cây ngừng quang hợp, ngừng phát triển, ngọn non bị tịt.. vậy nên nhiều người chơi thủy sinh ở VN và trên thế giới thường nhầm lẫn tưởng giữa độc và thiếu Fe -> đã độc rồi thì càng châm càng chết. ​
    Ngọn cây xương cá bị vàng, dù Fe trong hồ rất cao đến 1mg/l (độc Fe)
    bộ test Fe dung dịch của hãng JBL

     

  • Hồ càng nhiều ánh sáng thì lượng Fe càng dễ cho cây (và rêu hại) hấp thụ, đây được gọi là quá trình QUANG KHỬ SẮT (photoreduction of Iron) công thức như sau: 

    Fe3+ (Fe có trong chất hữu cơ) + Ánh Sáng => Fe2+ (cây thủy sinh và rêu hại có thể hấp thụ)

    Lượng Fe để rêu hại như rêu tóc hay rêu chùm đen phát triển là 0.0005 mg/l (5 phần ngàn của 1 miligram trên 1 lít nước), 1 con số cực nhỏ và hầu như bạn không bao giờ loại bỏ hết lượng Fe có thể gây bùng phát rêu hại, trừ khi dùng nước RO.
  • Fe nên được cung cấp qua bộ nền qua rễ cây, để cây quyết định lượng Fe cần thiết. Nếu cung cấp Fe qua nước (water column) thì nên cung cấp 1 lượng nhỏ dưới 0.1 mg/l 1 lần châm nếu hồ bạn có gH thấp dưới 6-7, và Canxi thấp dưới 30-40 mg/l. Chính vì điều này mà toàn bộ những hãng sản xuất cốt nền thủy sinh nổi tiếng đều làm cho sản phẩm cốt nền của họ KHÔNG tan tự do trong nước, điển hình và jbl aquabasic plus, ADA Power sand… Người mới chơi nên chọn những sản phẩm này cho an toàn, 1 số sản phẩm cốt nền Việt Nam được dùng rất thông dụng ở HCM tuy giá thành rẻ nhưng chưa đủ trình độ làm cho Fe không tan trong nước nên khả năng Fe gây độc là rất cao, khi mình test nước nhiều hồ dùng cốt nền này thì lượng Fe luôn ở mức cao 0.2-0.5 thậm chí là 1mg/l Fe (đây là lý do 1 nhà sản xuất cốt nền VN khuyến cáo rải 1 lớp cát xây dựng nên lớp cốt trước khi cho phân nền vào).  Về vấn đề cốt nền, hiện nay mình đang cùng nhóm nghiên cứu thử nghiệm độ tan từng loại và sẽ viết bài công bố rõ sau.
    test lượng Fe và tds tan trong nước của 1 cốt nền được sử dụng rộng rãi ở tp.HCM
    Test lượng Fe tan trong nước của những cốt nền thông dụng
  • Fe KHÔNG làm cho cây thủy sinh đỏ hơn, KHÔNG phải cứ châm FE là cây bạn sẽ đỏ đẹp. Muốn cây đỏ thì bạn cần nhiều yếu tốt: ánh sáng, co2, đa vi lượng cân bằng, nhiệt độ, vi sinh ổn định..
    Đại Hồng Huyết lên màu đỏ tươi trong hồ của thuysinhaz
  • Thiếu Fe làm lá non mất màu, cả đây đỏ lẫn cây xanh đều có triệu chứng là lá non bị nhạt trắng dần, sau đó lan dần xuống lá già. Châm đủ Fe sẽ làm màu lá hồi phục nhanh, chứ không phải làm cây đỏ rực.
    rotala pearl bị thiếu Fe, bị bạc ngọn và sẽ lụi dần (nguồn Vinhaqua)
     rotala pearl mạnh khỏe, đủ Fe (hình bạn Phạm Quốc Tiến)
    hoàng thái dương và rotala vietnam bị thiếu Fe, ngọn bị bạc màu, tịt ngọn
  • Lượng Po4 cao có thể làm kết tủa hết Fe trong nước và làm cây bạn thiêu Fe, nên để lượng Po4 dưới 1 mg/l. Nếu bạn không giảm được lượng Po4 trong hồ thì bắt buộc phải châm thêm Fe có nồng độ cao hơn.
  • Đa số cây đỏ cần nhiều Fe hơn cây xanh, nhưng cái lượng “nhiều hơn” đó cũng chỉ dưới 0.1 mg/l mà thôi. Vậy nên cái suy nghĩ “DÙNG CÂY ĐỎ ĐỂ HÚT VÀ HẠN CHẾ FE” là sai hoàn toàn.
  • Những cây có nhu cầu Fe cao nhất, cũng có thể sống tốt trong môi trường độc Fe lên đến 4 mg/l là Cabomba – cây La Hán Xanh và La Hán đỏ. Ngoài ra những loại cây như Rong Đuôi Chó, Rong Đuôi Chồn và 1 số loại bèo cũng có khả năng hút Fe cao và hay được dùng để hạn chế rêu hại.

    cabomba – loại cây chịu được lượng Fe cực cao
  • Fe có nhiều nguồn, thông dụng nhất cho thủy sinh là từ: chelate Fe-Edta (chỉ dùng cho nước có độ pH từ 6.5 trở xuống), Fe-DPTA (dùng cho nước có đô pH từ 7.5 trở xuống), Fe-Eddha (dùng cho nước có pH đến 11) và Fe gluconate (dùng cho mọi loại pH). Trong các loại Fe này thì Fe-edta hơi yếu, Fe-Eddha thì có màu quá đậm làm thay đổi màu nước hồ thành màu rượu vang, và Fe gluconate (giống của Seachem Iron) thì lại tồn tại trong nước quá ngắn  trong vòng cỡ 2 giờ đồng hồ khi châm nên cũng ko được đánh giá cao. Loại Fe tốt nhất là Fe-dtpa. Nếu có thể thì người chơi nên mix chung 3-4 loại Fe này để đạt hiệu quả cao nhất (Chai Micro Pro, Premium và All in One của mình đều mix từ những loại trên và liều 0.03 mg/l 1 lần châm)
  • Lượng Fe BẮT BUỘC phải đi đúng tỉ lệ với 1 chất vi lượng quan trọng khác là Mangan (Mn), với tỉ lệ là 2:1. Nếu Mn quá thấp hay quá cao so với Fe thì cây cũng sẽ có hiện tượng thiếu Fe.
  • Muốn cây hấp thụ tốt Fe thì trong nước cần phải có 1 lượng Magie vừa phải. Thiếu Mg làm Fe trở lên vô dụng cho cây thủy sinh
  • Canxi là chất giải độc Fe tốt nhất, lượng Ca 30-40 mg/l có thể giải độc Fe trên 2 mg/l. Đây là lý do 1 số hồ bị ngừng phát triển, khi châm Ca vào thì cây thở và phát triển lại ngay. Đây cũng là lý do mà nhiều anh em chơi nền trộn ở HN, hồ Hà Lan nhìn rất đã mắt vì rất hiếm khi bị độc Fe.

        2. Kinh nghiệm rút ra và lời khuyên cho các bạn mới:

  • Nếu các bạn chỉ chơi rêu ráy, dương xỉ, và những cây dễ trồng thì không nhất thiết phải dùng cốt nền. Vừa tiết kiệm và quan trọng hơn là vừa loại bỏ được 1 khả năng gây độc nước.
  • Nếu dùng cốt nền thì nên mua loại kiểm soát được lượng tan vào trong nước tốt như ADA Powersand, JBL Aquabasic plus, JBL florapol, cốt Trophical Base của Control Soil, Nutripad của Thủy Mộc và 1 số hãng tên tuổi. Nên tránh dùng cốt nền tự trộn nếu không có kinh nghiệm quản lý Fe.
  • Nên tìm hiểu và bật đèn hợp lý với từng loại hồ, vì đèn càng sáng thì lượng Fe càng dễ được rêu hại hấp thụ để bùng phát.
  • Không cần châm quá nhiều Fe vào nước, Fe KHÔNG làm cây của bạn đỏ hơn.
  • Không tự mua Fe về châm bậy bạ.
  • Khi mua phân nước, nhớ nhìn thành phần có bao nhiêu mg/l Fe 1 lần châm
  • Có thể dùng san hô, bột gH+, CaCl2, Caso4…và 1 số nguồn Canxi, gH khác để giải độc Fe tạm thời.
  • Nếu cây có dấu hiệu mất màu từ lá non, suy nghĩ lại xem bạn có châm Fe quá tay hay không trước khi quyết định là hồ mình thiếu Fe. Nếu bạn không châm quá tay Fe thì thử đo Po4 xem có cao quá không, Po4 cao có thể kết tủa hết Fe trong nước.
  • Nếu châm Fe thì nên châm 1 lượng nhỏ rồi tăng dần, có thể là 0.01- 0.03 mg/l 1 lần châm. Các hồ của ADA đều châm 0.01 Fe hằng ngày từ chai phân nước của họ. Và nhớ rằng châm Fe phải đi kèm với Mn, Magie và những chất vi lượng khác.

Nguồn thuysinhaz

Comments

comments