Bài viết dành tặng cho Bucep Việt, một trong những cửa hàng buôn bán bucep lớn, uy tín chất lượng và đặc biệt chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm cho anh em chơi bucep và cũng chính bạn ấy là người muốn mình chia sẻ cách chơi của cá nhân mình đến tất cả anh em chơi bucep.
Chung Thành Nguyễn – Đà Nẵng
Thời gian vừa qua mình có đăng trên Hội yêu thích bucep và một số anh em hỏi chơi như thế nào để bucep lên màu đẹp, sử dụng loại đèn nào ..vv . Nay rảnh rang viết về những gì mình đã trải qua hi vọng giúp ích anh em phần nào kinh nghiệm châm phân nước cho bucep có màu sắc.
Đã là thú chơi thì mỗi người mỗi kiểu, không ai giống ai và mỗi hồ bucep lại có những thông số khác nhau vì vậy chơi theo cảm nhận của bản thân, không ngừng học hỏi đúc kết kinh nghiệm cho mình mới là tốt nhất. Tất cả những gì mình chia sẻ dưới đây là cách chơi của cá nhân mình, anh em cảm nhận thấy đúng áp dụng theo, thấy sai có thể bỏ qua.
Sơ lược phần cứng hồ bucep.
Bucep là loại cây thủy sinh đẹp tuy nhiên để phát triển rực rỡ, đạt được màu sắc và duy trì được màu sắc ổn định lại khó. Bucep cần ổn định và ít sự thay đổi môi trường trong hồ.
Cái thời chơi bucep nhờ dinh dưỡng từ phân nền đã không còn khi mà không có loại phân nền thủy sinh nào đáp ứng được dinh dưỡng duy trì ổn định cho bucep trong thời gian khoảng 1 năm.
Ngay cả loại phân nền ADA trước đây được anh em đánh giá rất tốt thì giờ đây không còn sản xuất mà ra những loại mới không phù hợp với bucep nữa. Phân nền hiện tại chỉ có chức năng như bộ đệm giữ cho PH ổn định và một phần hấp thụ ngược nhả lại dưỡng từ phân nước.
Thông số của hồ bucep.
- Hồ 6/4/4 (dài/rộng/cao) có sử dụng chiller làm mát. Full bucep chỉ có ít ráy white và pinto.
- Phân nền một bao ADA có lót powersand cũng của ADA và lớp dưới cùng của hồ là đá lông vũ cho thoáng nền.
- Lọc: inox fi200 chứa full maxtrix, neo và một lọc sunsun603 tạo dòng nhẹ chỉ có đá lông vũ.
- Đèn: Radion G4 ( loại này sử dụng cho bể nước mặn, mình sẽ nói chi tiết ở một bài viết khác).
- Đèn mở 10 tiếng chia hai: 5h sáng đến 9h sáng- nghỉ – 15h đến 21h đêm.
- Thông số hồ: Co2 xả bàng sủi 24/24, PH cỡ 6,5( xài bút đểu không biết có chính xác không),
- TDS: 120.
- Phân nước sử dụng: Bucep Aquarist, Advance của seachem, Kali của ADA.
Châm phân nước cho hồ bucep theo cá nhân mình.
Cách châm phân nước của mình là tăng dần liều lượng phân, quan sát lá non của cây bung ra hết cỡ xem màu sắc đã đạt được chưa. (Thường màu lá non ở bucep lá đỏ, tùy loại bucep mà màu sắc đỏ có sự khác nhau). Tùy theo từng giai đoạn mà căn chỉnh liều lượng cho hợp lý.
Hồ mình 6/4/4 khoảng tầm 100 lít, đến nay khoảng được 8 tháng. Bắt đầu từ tháng thứ 3 thì mình châm phân nước.
- Giai đoạn đầu:
Ở tuần đầu tiên chỉ là châm cho bucep thích ứng dần với lượng dinh dưỡng mới vào hồ, châm 1/3 theo liều lượng hướng dẫn, tức là chỉ khoảng 2ml đa vi lượng mỗi loại vào mỗi ngày. Quan sát xem có sự thay đổi bất thường nào không mới tiếp tục tăng liều.
- Giai đoạn thứ hai:
Khi đã ổn định, bucep đã bắt đầu có màu sắc thì mình châm đều tay mỗi ngày 2ml vi lượng, 2 ml đa lượng. Châm cùng lúc vào buổi sáng lúc đèn đang bật.
Cứ 03 ngày mình thay nước một lần cớ khoảng 1/3 hồ (30 lít) và châm bù 1ml vi lượng, 1ml đa lượng cộng thêm 1 nắp Advance cuả Seachem (5ml).
- Hiện tại:
Đến hiện tại khi bucep đang ổn định thì mình tăng thêm liều lượng vi lượng vào hồ. Mỗi ngày buổi sáng: 2ml đa, vi lượng mỗi loại, Buổi tối thêm 1ml vi lượng lúc đèn đang bật.
Vẫn thay nước đều 03 ngày một lần và lúc này tăng thêm 1ml Kali của ADA sau khi thay nước xong. Vẫn châm bù 1ml vi lượng, 1ml đa lượng cộng thêm 1 nắp Advance cuả Seachem (5ml).
Vào mỗi lần thay nước thỉnh thoảng mình có hút cặn nền cho sạch sẽ và châm thêm 1 nắp 5ml vi sinh Pristine của seachem.
Một số lưu ý khi châm phân nước cho hồ bucep.
Với mình chỉ sử dụng phân nước khi bucep đang phát triển ổn định, có thể cây không có màu nhưng phải phát triển bình thường, không bị đụt, rửa rễ, rửa lá.
Bucep quá yếu khi châm phân nước chỉ làm cho rêu hại bám nhiều hơn và chúng ta chỉ đi một vòng lẩn quẩn: trị rêu hại xong lại bị bám và ngọn hay thân bucep đó càng lúc càng yếu đến lúc sẽ rửa hẳn. Những ngọn yếu này bạn có thể đưa lên cao hơn là đặt sát nền, tránh nơi có dòng thổi trực tiếp vào.
Dư dưỡng: Biểu hiện rõ ràng nhất là chùm đen bám rìa lá già, bám ở rễ và rêu bám kính xuất hiện nhiều( nhiều dưỡng quá thì tầm ba ngày rêu bám kính đã xuất hiện một lớp mờ mờ có thể nhìn rõ). Thay nước và giảm liều châm để giải quyết vấn đề này. Dư dưỡng quá nhiều có thể bùng phát rêu hại cả hồ và lúc này rất khó xử lý.
Thiếu dưỡng: Khi châm lượng phân nước chưa đủ cho bucep hấp thụ thì màu sắc lá nhợt nhạt, lá có màu nhưng lại xuất hiện như kiểu xương cá mặc dù cây vẫn phát triển bình thường. Tăng thêm chút vi lượng theo dõi thêm.
Trong hồ bucep nên nuôi thêm một số loại cá, tép ốc thủy sinh ăn rêu hại. Hạn chế nuôi quá nhiều động vật thủy sinh và cho ăn quá nhiều dễ gây tăng lượng NO3 mà bucep lại khá nhạy cảm với NO3.
Kiểm soát tốt nguồn nước vào : thay nước RO và sử dụng khoáng nâng đến mức TDS 120 khi đo trong hồ là đa số loại bucep đã phát triển tốt.
Lưu ý khi thay nước: nhiệt độ nước vào không quá cao vào mùa nóng, mình từng gặp sốc nhiệt khi thay nước và kết quả là rửa hết mấy bụi bucep.
TỔNG KẾT : Muốn chơi bucep đẹp thì phải sử dụng đến phân nước, mỗi hồ của mỗi anh em sẽ có những thông số khác nhau, không thể áp dụng theo một khuôn mẫu nào cả, tốt nhất là căn chỉnh châm phân nước từ từ và theo dõi quan sát sự thay đổi của bucep trong hồ của mình là tốt nhất.
Mọi bài viết bài chia sẻ đều chỉ để anh em có thể tham khảo và điều chỉnh liều lượng cho phù hợp hồ của mình. Chúc anh em thành công.
Thanks anh em đã đọc bài viết.