Tầm quan trọng của việc cung cấp tốt khí carbon và o2 cho hồ thủy sinh, thông qua 1 nghiên cứu và quan sát nhỏ về khuynh hướng mọc lên cạn của cây thủy sinh.

 
Cho dù nước hồ có ổn định, mát và cân bằng đến đâu thì đa số các cây thủy sinh đều có khuynh hướng mọc lên cạn. Một số cây khó trồng khác như trân châu cuba thì trồng cạn dễ, nhưng hạ thủy thì khó và cần lượng co2 cực lớn.
 
Trong clip là hồ ổn định của mình, nếu các bạn để ý thì ánh sáng rất cao, cộng với nhiệt độ mát và môi trường rất cân bằng (rêu và trân châu 3 lá phát triển rất tốt), nhưng đại hồng huyết, Trân châu Nhật, TC ngọc trai và cuba… 1 thời gian đã mọc cao lên và phát triển, đẻ nhánh nhiều trên cạn. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì?
 
Nói lại về dinh dưỡng, thân và lá của cây thủy sinh được tạo lên bởi:
– ~ 45% Carbon (C)
– ~ 40% Oxi (O2)
– 15% còn lại là các chất đa, trung vi lượng khác (N P K, Ca Mg, Fe, Mn, Zn, B, Mo, Cu,S, Cl…)
Đọc đến đây các bạn sẽ thấy rõ tầm quan trọng của 2 chất thiết yếu: Carbon và Oxi, sau đó mới đến NPK và trung vi lượng.
– Khi cây vươn lên cạn, rễ của chúng vẫn còn ở dưới nước và vẫn hút được đầy đủ các chất nêu trên, nhưng lợi thế của việc mọc lên cạn là cây thủy sinh sẽ hấp thụ TRỰC TIẾP và DỄ DÀNG nguồn Carbon và O2 dồi dào trong không khí, chưa kể nó có thể hút 1 lượng N nhỏ trên cạn. Dù hồ bạn có nhiều carbon hay o2 trong nước cỡ nào đi nữa thì cây vẫn hấp thụ nguồn dinh dưỡng này trên cạn dễ dàng hơn nhiều.
– 1 nguyên nhân khác tuy không quá quan trọng là cây lên cạn sẽ được gần nguồn năng lượng từ đèn.
 
Kết luận và kinh nghiệm rút ra:
 
1. Carbon và O2 là yếu tố sống còn của hồ hủy sinh, Carbon này có trong nước máy, nước giếng, cá thở, cây thở vào buổi tối, lượng carbon hữu cơ từ nền được vi sinh chuyển hóa (gọi là DOC – Dissolved Organic Carbon), và đặc biệt là từ bình khí Co2. Hồ bạn CÓ THỂ KHÔNG DÙNG bình co2, nhưng KHÔNG THỂ KHÔNG CÓ Carbon.
 
2. Oxi có sẵn trong không khí và sẽ tan vào mặt nước, hồ càng rộng thì o2 tan càng tốt, và cách tốt nhất để cung cấp o2 cho hồ là chạy và vệ sinh lọc váng 24/24 (để khí o2 luân chuyển từ tầng mặt xuống toàn bộ hồ), và có thể sục khí. Hồ thiếu O2 rất hay bị rêu hại, điển hình là cyano (rêu nhớt xanh), và đa số các loại rêu thông dụng. Lý do là lượng o2 thấp thì vi sinh yếu và không chuyển hóa được những chất hữu cơ có trong nước cho cây sử dụng hết, rêu hại sẽ ăn những chất dư thừa này mà phát triển.
 
3. Dù bạn có cung cấp khí co2 nhiều cỡ nào thì cây vẫn khó hấp thụ carbon như trên cạn, cách tốt nhất để cây hấp thụ carbon dưới nước là cung cấp khí co2 dạng hạt li ti đánh thẳng vào lá cây để nó “ăn” trực tiếp. Đây cũng là nguyên nhân giải thích cho chuyện trồng trân châu cuba (và 1 số cây khác) trên cạn rất dễ, nhưng hạ thủy thì lại cực khó, và khi cung cấp tốt co2 dưới nước thì tccb lại bò cực nhanh.
 
4. Đa, trung vi lượng NPK, Ca, Mg, Fe… chỉ chiếm cỡ 15% dinh dưỡng của cây, nên các bạn cũng đừng quá thần thánh hóa phân nước (nhất là “phân anh Văn”). Mình luôn nói anh em là bộ phân nước của mình chỉ hiệu quả khi các bạn làm tốt về phần ánh sáng, vi sinh, Co2, o2, nhiệt độ.
 
Hy vọng sau bài này, anh em mới chơi sẽ quan tâm hơn về vấn đề co2 và o2 của hồ mình.
Chúc anh em có hồ đẹp và luôn giữ lửa đam mê.
Nguồn : thuysinhaz

Comments

comments