Phải nhấn mạnh hai từ “sơ đẳng” để nói lên rằng kỹ năng này vô cùng đơn giản mà hiệu quả lại cao và hoàn toàn phù hợp với người mới. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đó luôn là một phương châm đúng đắn đối với nhiều vấn đề trong cuộc sống và bể thủy sinh cũng vậy. Cuộc đời của rêu lại có 2 giai đoạn, và ở mỗi giai đoạn đều cần một loại thức ăn và môi trường thích hợp để có thể phát triển lên giai đoạn sau (Xem thêm bài viết về chu trình nitơ) vậy nên nếu ta hạn chế được thức ăn ngay từ giai đoạn đầu thì rêu hại sẽ bị giảm thiểu cơ hội bùng phát. Ngoài ra trong phân nền mới cũng còn tồn dư khá nhiều “chất độc” mà cây thủy sinh không thể hấp thụ được, hoặc tệ hơn là ảnh hưởng tới cuộc sống vốn chưa ổn định của cây. Mặt khác cũng làm chậm quá trình ổn định chất lượng nước.

Rêu hại trong bể thủy sinh luôn là ác mộng đối với người mới

Tác hại thì đã rõ, vậy kỹ năng đó là gì? Đó là ngâm nền bể thủy sinh. Việc này có mấy tác dụng sau mà nhiều người mới chơi không để ý:

Loại bỏ chất độc trong nền bể. Như đã nói ở trên, chất độc trong nền khi mới setup ảnh hưởng xấu tới nhiều yếu tố của bể trong giai đoạn đầu vốn chưa cân bằng. Trong quá trình ngâm nền, lượng nước cũ sẽ được thay đi và mang theo các chất độc mà nền nhả ra.

Xem thêm  Dinh dưỡng cho cây thủy sinh

Loại bỏ dinh dưỡng thừa. Nền mới có xu hướng nhả dinh dưỡng rất mạnh, cây thủy sinh khi mới được trồng vào bể thường chưa quen môi trường mới để phát triển, chưa bén rễ nên chưa thể hút dinh dưỡng trong nước một cách mạnh mẽ. Hậu quả tất yếu là dinh dưỡng bị thừa một lượng không nhỏ và đây là điều kiện lý tưởng để rêu hại phát triển. Khi ngâm nền thì dinh dưỡng thừa cũng được loại bỏ khi thay nước.

Khởi tạo hệ vi sinh. Đây chính là đạo quân chiến đấu chống rêu hại mạnh mẽ nhất, mặt khác giúp ổn định môi trường nước, kích thích cây thủy sinh phát triển. Ngâm bể sẽ tạo một khoảng thời gian và môi trường lý tưởng để các loại vi sinh vật có ích phát triển mạnh.

Hình dung bố cục và chuẩn bị cây trồng. Một tác dụng thú vị, trong khoảng thời gian ngâm nền, người chơi đã có được cái nhìn rõ ràng về phần khung của bố cục (hardscape) từ đó định hình chính xác hơn về bố cục sau khi bể hoàn thành. Ngoài ra đây còn là khoảng thời gian xuất hiện những ý tưởng mới hoặc thậm chí là làm lại bố cục để phù hợp hơn. Nếu đã ưng ý với bố cục thì người chơi có thể tranh thủ chuẩn bị cây đầy đủ hơn, chu đáo hơn.

Xem thêm  Tổng quan về Cá Sam và Những loài cá sam đẹp nhất 2015

Qua những tác dụng nêu trên, phần nào các bạn có thể mường tượng ra cách thực hiện việc ngâm nền với một số chú ý sau:

Sắp xếp hoàn chỉnh bố cục (hardscape) trước khi ngâm nền. Bởi những xáo động nền trong quá trình ngâm có thể làm ảnh hưởng tới sự phát triển của hệ vi sinh còn non nớt. Ngoài ra, việc sắp xếp lại đá, lũa làm cho dinh dưỡng ở lớp dưới của nền phần nào bị thất thoát.

Không nên bật đèn trong quá trình ngâm nền. Vì ánh sáng kết hợp với dinh dưỡng thừa luôn là môi trường lý tưởng nhất cho rêu tảo hại bùng phát. Trước tiên là loài là tảo nâu.

Chạy lọc 24/24h hàng ngày. Bởi lọc là ngôi nhà chung lớn nhất cho hệ vi sinh, việc chạy lọc liên tục sẽ tạo dòng nước luân chuyển tuần hoàn qua các vật liệu lọc, hệ vi sinh sẽ mau chóng ổn định chỗ ở và nguồn thức ăn để phát triển dày đặc trong các lớp vật liệu lọc. Bên cạnh đó lọc còn giúp hút các chất bẩn, bụi từ nền bể, giúp nước bể mau trong hơn.

Thay nước đều đặn (thường là 1 tuần 1 lần). Đơn giản vì lọc không thể đảm nhiệm hoàn toàn vai trò làm sạch nước, bạn phải giúp đỡ hệ thống lọc bằng việc thay nước hàng tuần (với một lượng lớn, khoảng 30% bể) hoặc hàng ngày (với 10% nước).

Xem thêm  [IAPLC 2014] IAPLC2014 Results Gallery

Xới nhẹ mặt nền trong quá trình ngâm. Thường độ sâu là 1cm, mục đích để dinh dưỡng thừa ở lớp mặt sẽ được phát tán tốt hơn vào nước, ngoài ra lớp bụi nền cũng được hút dần vào lọc. Động tác này chỉ phù hợp với nền công nghiệp, trường hợp có phủ cát nền, sỏi nền hoặc các loại nền trơ (không có dinh dưỡng, mục đích thường để làm đẹp) trên mặt các bạn có thể bỏ qua bước này.

Bổ sung vi sinh (men vi sinh) cho bể, nhằm đẩy nhanh quá trình khởi tạo hệ vi sinh, rút ngắn quá trình ổn định nước bể. Ngoài ra bạn cũng có thể thả một ít cá nhỏ, việc cho cá ăn và phân cá cũng phần nào giúp khởi động hệ vi sinh nhanh hơn.

Các bạn đã thấy đây không phải là phương pháp gì thần thánh để phòng chống rêu hại trong bể thủy sinh, tuy nhiên nó lại bị nhiều người xem thường và bỏ qua một cách đáng tiếc. Đối với những người chơi nhiều kinh nghiệm thì phương pháp này có thể không cần thiết, nhưng nếu bạn mới tiếp xúc với thủy sinh lần đầu thì bouaqua khuyên bạn nên làm theo phương pháp sơ đẳng này. Điều đó sẽ giúp các bạn sớm thành công hơn với bể thủy sinh đầu tay của mình.

Nguồn: bouaqua

Comments

comments